PHÊRÔ, PHAOLÔ, BẠN VÀ TÔI

Tại sao hai thánh tông đồ PHÊRÔ, PHAOLÔ lại mừng lễ chung với nhau?

 

Một số thánh nhân, vì là anh em với nhau, vì cùng tử đạo, vì là mẹ con, vì có những điểm chung nhất, nên được mừng lễ trùng ngày với nhau hoặc sát gần nhau. Vậy thánh Phêrô và thánh Phaolô tương quan với nhau thế nào mà lại có ngày lễ kính cùng với nhau?

 

Đức Tổng Giám Mục Patrick Flores đã từng đặt câu hỏi này với giáo dân trong bài giảng của mình.  Và rồi ngài tự trả lời cách hóm hỉnh: “bởi vì hai thánh nhân không thể sống chung với nhau được trên thế gian, nên Chúa bắt các ngài phải chung với nhau trên thiên đàng.”(!)

Câu chuyện hài hước này rất có cơ sở. Thánh kinh cho thấy hai ông thật sự khác biệt nhau về tính cách, chênh lệch nhau về đẳng cấp:

·     Người kém văn hóa, kẻ trí thức cao

·     Người đã có vợ, kẻ vẫn độc thân

·     Người rút gươm bảo vệ Chúa, kẻ phóng ngựa truy giết những ai theo Chúa

·     Người giảng dạy cho giới đã cắt bì, kẻ loan Tin Mừng cho dân ngoại.

 

Chính thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Galata đã thừa nhận sự đụng độ với thánh Phêrô ở Antiokia.  Ông đã cự lại thánh Phêrô vì đã không dám công khai dùng bữa với lương dân như trước khi nhóm cắt bì đến (từ cự lại là nguyên văn của Phaolô trong Gl 2, 11).

 

Điều rất dễ thương là, trong tất cả sự khác biệt cũng như cãi vã đó, thánh Phaolô luôn nhìn nhận vị trí quan trọng của thánh Phêrô với tư cách là người đầu tiên được Chúa Giêsu cho thấy Người đã phục sinh (1Cr 15, 5), một tư cách xứng đáng với cương vị thủ lĩnh.  Một sự trân trọng rất tuyệt đến nỗi tính cách khác biệt không hề làm cản trở sứ mạng và lý tưởng của hai thánh nhân.  Phần mình, thánh Phêrô cũng không kém cao thượng khi bắt tay Phaolô để tỏ dấu hiệp thông (Gl 2,10).  Điểm độc đáo này được Giáo Hội đưa vào kinh tiền tụng trong ngày lễ 29/06: “các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Ðức Kitô.”  Để rồi từ những khác biệt tính cách và mâu thuẫn đường lối đó, các ngài đã trở thành:

 

Hai người tiên phong, hai sao sáng đi đôi và hai tướng anh hùng.

 

Thế còn anh và em?  Còn bạn và tôi thì sao?

 

Dĩ nhiên chúng ta thế nào cũng có các điểm khác biệt, và dĩ nhiên chúng ta đã từng cãi vã, giận hờn.  Không ít lần chúng ta đặt câu hỏi tại sao và tại sao người mà mình trọn niềm tin tưởng lại cư xử như thế.  Đã nhiều lần ta như muốn buông một bàn tay thân yêu, rời xa một bờ vai thân thiết, phớt lờ một ánh mắt thân thương.  Chỉ vì chúng ta khác biệt nhau, không hiểu nhau.

 

Phải chăng ta khác biệt nhau và rồi ta so đo tính toán với nhau?  Để rồi ta hát mãi điệp khúc sau đây:

·     Đúng là anh giầu có hơn tôi thật, tôi không quên được đâu vì anh thường xuyên nhắc tôi về điều đó, nhưng anh cũng biết tôi có rất nhiều tài, còn về sắc đẹp thì không cần bàn cãi là ai hơn nhé!

·     Dĩ nhiên em chu đáo tỉ mỉ, nhưng cũng vì thế em thường sa đà vào các tiểu tiết và chi li, tính toán, phê bình đến mức nhỏ nhen.

·     Anh nghĩ chuyện to lớn trên trời, nhưng chuyện trước mắt, ngay trong nhà, anh có thấy đâu?

·     Sao em nói nhiều như vậy mà anh cứ ngồi im thin thít thế kia?

·     

·     Và còn bạn nữa! Chúng ta có còn là bạn nữa không, mà sao khi lòng dạ mình rối bời lên thì bạn cứ trơ trơ như không cảm xúc vậy?

·     Có nhiều điều mình muốn nói, nhưng không nói ra vì mình nghĩ bạn chẳng thể nào hiểu được.

 

Khác biệt giữa Phêrô và Phaolô làm cho công cuộc loan báo Tin Mừng trở nên phong phú hơn.  Các khác biệt của chúng ta lẽ ra là để bổ sung cho nhau và để làm cho đời ta thêm màu hương sắc, cũng như các giới hạn của cá nhân là để chúng ta cần đến nhau hơn trong cuộc trần này.  Điều quan yếu là ta biết trân trọng người khác và chiến thắng cái tôi ích kỷ.

 

Phêrô và Phaolô, hai ngôi sao “chỏi” đều tỏa sáng trên bầu trời Thiên quốc, hai con người Phêrô và Phaolô trở thành đồng trụ và bàn thạch cho tòa nhà Giáo Hội.  Tình yêu đối với Chúa Giêsu làm nên điều kỳ diệu này.  Chỉ có tình yêu đủ lớn mới có thể làm cho các bất đồng giữa vợ chồng, giữa bạn bè trở thành một liên kết phong nhiêu, một tương giao phong phú.  Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ có tình yêu còn ở lại.

 

Anh và em, bạn và tôi đã giận hờn, tranh cãi, thậm chí căm thù nhau trong quá khứ.  Có những điều cứ tái đi tái lại nhiều lần như một căn bệnh mãn tính, nan y.  Chúng ta có quá nhiều khác biệt mà.  Vẫn biết gương vỡ khó lành, vẫn biết ly nước đổ ra không thể lấy lại hết, nhưng tình yêu sẽ bù đắp tất cả và tình yêu sẽ làm cho tấm gương và ly nước lấy lại sau đó trở nên kỳ thú hơn, ngon lành hơn.

 

Có bao giờ chúng ta trân trọng nhau cho đúng mức không?  Có bao giờ anh và em cầu nguyện cho nhau rồi nói với Chúa về những lỗi lầm, yếu đuối của nhau chưa?  Có bao giờ bạn và tôi, chúng mình cùng cầu nguyện với nhau để chấp nhận các khác biệt của nhau mà mưu cầu công ích, mà lo cho đại cuộc không?  Đã bao giờ tôi nhìn ra được khía cạnh tốt đẹp của sự khác biệt, để yêu mến những gì “bất thường” nơi anh em, và phát huy những gì “cá biệt” của tôi nhằm hướng tới những điều cao quý hơn chưa?

 

Xin hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô cầu cho chúng con.

 

Pr. Nguyễn Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *