Em là ánh sáng – Tác giả: Nguyên Hương

em-la-anh-sang-tac-gia-nguyen-huong

 

Tuổi thơ của em và tôi được lớn lên trong một mái ấm gia đình nghèo giữa xóm đạo nhỏ. Mẹ mất sớm, bố tôi trở thành một người chồng sống cảnh gà trống nuôi con với hai cô con gái và điều làm bố mẹ tôi buồn phiền nhất là em tôi là một cô gái mù bẩm sinh.

Cuộc sống của những người nông dân bần khổ vào những năm 1985. Thời kỳ mà đất nước đang vực dạy sau những cuộc chiến tranh. Bố long đong để kiếm tiền nuôi chị em chúng tôi đủ bữa no bữa đói. Tôi hơn em hơn em năm tuổi, nên tôi phải chăm lo mọi công việc nhà và chăm sóc cô em khiếm thị. Với ý thức của một đứa trẻ tám tuổi, tôi đã có cảm giác coi em như một gánh nặng trên đôi vai nhỏ bé của tôi. Những bữa ăn, tôi chỉ chia cho em một phần, khi bố mua đồ, những bộ quần áo đẹp tôi sẽ nhận cho mình và dành cho em những món đồ xấu hơn. Vì tôi nghĩ em sẽ chỉ là một đứa trẻ mù không nhìn thấy gì.

Cứ như thế em lớn bên tôi và dường như em đã cản trở cuộc sống của tôi. Những lần đi chơi với chúng bạn tôi phải mang em theo. Thế rồi một ngày tôi chợt nghĩ ra một cách, tôi dẫn em đến nhà thờ và dặn em ngồi yên ở một góc rồi sau những cuộc đi chơi xem phim cùng đám trẻ trong làng tôi sẽ tới nhà thờ dẫn em về. Em như một chiên con hiền lành nghe theo mọi sắp xếp của tôi. Em chăm ngoan đọc kinh cầu nguyện ở nhà thờ một cách đều đặn.

Những kỳ thi kinh bổn em là người nhắc bài cho tôi, em giúp tôi vượt qua phần học hành để tiến tới các bí tích. Em chỉ như một cái bóng nấp sau tôi và chỉ khi nào cần em mới có giá trị với tôi.

Tuổi thơ của chúng tôi dần qua đi cho tới khi tôi mười lăm tuổi, bố tôi lâm bệnh nặng và đã qua đời. Tôi tuyệt vọng và không biết phải tiếp tục cuộc sống của mình như thế nào nữa. Trong thời ký đó đất nước mở cửa, người dân vượt biên thật dễ dàng. Trong đầu tôi chợt này một ý nghĩ mình sẽ vượt biên để tìm một tương lai tươi sáng hơn nơi này. Nhưng rào cản vẫn là em tôi, tôi không thể mang theo một cô em khiếm thị vượt biên. Sau những cuộc rằng co nội tâm, tôi đã quyết định gửi em ở một nhà dòng và một mình vượt biên.

Thời gian thấm thoắt đã mười năm trôi qua tôi vượt biên định cư ở một đất nước giàu có rộng lớn, tôi gặp nhiều may mắn thuận tiện trong công việc cũng như gia đình và đã quên đi cô em khiếm thị nơi quê nhà. Đời sống đức tin của tôi cũng khô cằn đã gần mười năm tôi theo chồng không còn đến nhà thờ công giáo. Nhưng rồi có một hôm tôi gặp được một nữ tu người Việt, Sơ chuyện trò với tôi và dẫn tôi trở lại nhà thờ trong một thánh lễ. Khi nghe đoạn Tin mừng theo thánh Gioan kể lại người mù. Tôi giật mình bàng hoàng hình ảnh người em gái mù hiện trong tâm trí tôi. Tôi nhớ em, đã mười năm ấy tôi không liên lạc với em. Tôi thầm nghĩ em sẽ ghét tôi và hận tôi vì một người chị vô tâm như tôi.

Tôi thu xếp công việc và trở về Việt Nam thăm em và sẽ đón em đi cùng tôi. Vừa bước chân vào cổng nhà dòng tôi đã bắt gặp em. Em vẫn mảnh dẻ như ngày nào đôi mắt của em không nhìn thấy, nhưng lại sáng ngời một niềm tin, một tình yêu mà tôi không thể có. Tôi ôm em xiết em vào lòng và xin em tha thứ cho tôi một người chị tội lỗi ích kỷ như tôi. Nhưng giọng nói em vẫn ấm áp ôn tồn như xưa em vui sướng vì thấy tôi được hạnh phúc được an vui. Tôi ngỏ ý định với các sơ đón em đi cùng tôi, nhưng em không đồng ý. Em muốn được ở lại nhà dòng với các sơ em làm công việc nhỏ bé nhưng với một tình yêu phi thường.

Tôi lặng lẽ nhìn em mà nghẹn ngào, tôi ân hận vì Chúa đã cho tôi một đôi mắt sáng, nhưng tâm hồn tôi thì thật tối tăm u mê. Chúa đã không cho em một đôi mắt sáng nhưng em lại có một đôi mắt đức tin rực sáng và một tấm lòng cao thượng.

Nguyên Hương

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *