Đời tu– một cuộc đời biến hình

Ơn gọi là một huyền nhiệm. Một tiếng gọi từ Thiên Chúa có thể chiếm đoạt bất cứ ai vào bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời. Khi gọi một tâm hồn vào đời sống thánh hiến, Thiên Chúa đã gieo vào đó một mầm sống ân sủng cao quý vô giá, có thể triển nở lạ lùng. Hành trình nảy mầm và lớn lên của hạt giống là một quá trình “biến hình” liên lỉ, sẽ tách người tu sĩ ra khỏi mảnh đất thế gian và trồng vào Thiên Chúa. Như vậy, đời tu chính là một cuộc đời biến hình cùng với Đức Kitô, khởi đi từ con người phàm tục sang con người được thánh hiến, làm dấu chỉ cho sự sống vĩnh cửu trên Nước Trời.

Khi nói đến một cuộc biến hình hay một cuộc lột xác thì thiết nghĩ điều cần chú ý đến là khởi điểm của một đối tượng cụ thể và ở đây chính là sự tuyển chọn đầy nhiệm lạ của Thiên Chúa đối với những kẻ Người muốn. Thoáng nhìn lại hình ảnh của ba môn đệ được Chúa Giêsu ưu ái gọi đi theo Người lên Núi Tabor, chẳng ai có thể hiểu được tại sao Chúa Giêsu lại chọn họ để mặc khải vinh quang của Thiên Chúa, bởi nếu nhìn kỹ vào khuôn mặt từng người, họ không thiếu các đam mê tật xấu, nóng nảy, ích kỷ, ghen ghét, và tham lam; nhưng rồi chính họ sẽ là những người thay đổi cả thế giới. Kinh nghiệm của ba vị tông đồ khi được tháp tùng Chúa lên đỉnh Tabor cũng chính là kinh nghiệm thâm sâu của bất cứ tu sĩ nào khi được Thiên Chúa mời gọi vào sứ mạng “đánh thức thế giới” bằng ánh sáng của Tin Mừng. Qua chương trình huấn luyện của Hội dòng, mỗi người sẽ được mời gọi không dẫm chân nhìn vào những cái “đang là” của mình, nhưng luôn được mời gọi hướng đến những cái “sẽ là”, bởi một khi đã chấp nhận đi theo và ở lại với Đức Kitô, những yếu đuối sẽ dần được vinh quang của Thiên Chúa biến đổi. Đây cũng là điểm tựa mà để củng cố niềm tin cho những kẻ bước theo Đức Kitô: “Một khi được hé thấy vinh quanh Thiên Chúa, thì người ta sẽ luôn ý thức về sự nhỏ bé của mình và có thôi thúc được trở nên thánh thiện” (Vita Consecrata, 35).

Vậy, nếu đời tu là một cuộc đời biến hình cùng Đức Kitô thì nó sẽ được biến đổi như thế nào và bằng phương tiện gì? Chính nhờ việc tuyên khấn Ba lời khuyên Phúc Âm là Khiết tịnh – Nghèo khó – Vâng phục, bất cứ người tu sĩ nào cũng sẽ đụng chạm đến chốn sâu nhất trong mầu nhiệm tự hủy “cùng chết với Đức Kitô để cùng được sống lại với Người” (Rm 6,8). Đó là buông mình để được Thiên Chúa biến tình yêu vị kỷ thành tình yêu tự hiến, chiếm hữu của cải thành chiếm hữu kho tàng trên trời, và tự do định đoạt đời mình thành tuân phục thánh ý Thiên Chúa. Có thể với những kẻ đang lữ hành trên đường thánh hiến, sẽ có những lúc bước chân họ trở nên ngập ngừng và chùn lại trước những thách đố của đời hiến dâng. Tuy vậy, tiếp nối một vài bước chân do dự ấy thì sẽ là một chặng dài những bước chân mạnh mẽ, can đảm tiến lên trong hạnh phúc. Chính vì thế, đó là lý do mà đời dâng hiến thường được ví là “một cuộc biến đổi trái tim và nội tâm”, đúng như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Niềm vui của Tin mừng tràn ngập con tim, nội tâm và đời sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu và biến đổi họ” (Evangelii Gaudium 1).

Chính vì đời tu là một cuộc đời biến hình liên lỉ trên mọi phương diện, không chỉ một phút chốc, một giai đoạn nhưng là trọn đời, cho nên thật là một điều tối quan trọng khi mỗi tu sĩ biết dành ra những khoảng lặng để nhìn lại hành trình biến đổi của bản thân trên bước đường ơn gọi. Có thể mỗi người sẽ được Thiên Chúa lột xác một cách khác nhau từ diện mạo, năng lực cho đến phẩm chất của họ. Thế nhưng, chắc chắn một điều rằng, chính khi gặp gỡ Đức Kitô, họ mới có thể biến đổi cuộc đời mình cách đúng đắn. Vì vậy, khi lượng giá lại mức độ “biến hình” của bản thân, ước mong rằng các tu sĩ sẽ lấy dung mạo và tâm tình của Đức Kitô làm tấm gương quy chiếu cho sự lớn lên của bản thân mình.

Cây Bút Chì – MTG Vinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *