-
Mátthêu, Tông đồ Thánh sử
Lêvi là tên gọi của thánh Matthêu tông đồ, Thánh sử. Tin Mừng thuật lại khi Chúa Giêsu đi ngang qua bàn thuế, Người gọi Lêvi. Lêvi không chần chừ, không do dự, ông đứng dậy khỏi bàn thu thuế mà đi theo Chúa Giêsu. Ơn gọi của Lêvi thật là huyền diệu ! Chúa Giêsu không nói nhiều, Người chỉ nói một câu vỏn vẹn, ngắn ngủi :” Hãy theo Ta “.
Ðường Chúa chọn khác với cách cất nhắc của người đời thường làm.Chúa chọn ai tùy ý Người. Chúa cất nhắc ai là do ơn huệ nhưng không của Chúa. Không ai có quyền đòi Chúa phải thế này thế kia. Không ai được phép buộc Chúa phải gọi người này, không được gọi và chọn người khác. Ðó là mầu nhiệm đức tin. Con người phải có đôi mắt đức tin, con tim hiến tế mới nhận ra sự lạ lùng, kỳ diệu đó, vì ơn gọi của mỗi người là một mầu nhiệm.
Như mọi tông đồ khác trong nhóm 12 mà Chúa đã kêu mời. Chúa chỉ gọi họ, sau khi Chúa đã kết hiệp thân thân tình lâu giờ với Chúa cha bằng lời cầu nguyện và sau khi Chúa đã hỏi ý Chúa Cha.Thái độ,cử chỉ,hành động của Chúa trong mọi lần mời gọi tông đồ đều làm nổi bật ý nghĩa quan trọng của mầu nhiệm ơn gọi. Lêvi, người thu thuế, một hạng người được coi làm tay sai cho ngoại bang, làm tay sai cho Ðế Quốc La Mã thời đó,một hạng người mang tiếng ăn bẩn,tội lỗi và không tốt.Chúa lại nghĩ khác vì Chúa thấu suốt tâm can của con người.Biệt phái, Pharisiêu, tư tế, thông luật luôn nghĩ xấu cho người khác. Chúa nói với họ: ” Ta đến không để gọi những người công chính mà là gọi những người tội lỗi “( Mt 9,13) và “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần ” ( Mt 9, 12 ).
Chúa đã mời gọi các tông đồ. Chúa đã sai họ đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cứu độ. Các tông đồ của Chúa sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, đã trở thành những chứng nhân hiên ngang làm chứng cho Chúa. Tất cả các tông đồ đã nhất loạt giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người, dù rằng họ phải trả giá rất đắt bằng chính mạng sống của họ cho việc làm chứng Chúa Kitô phục sinh. Thánh Matthêu đã không ra khỏi con đường này. Ngài đã đi truyền giáo ở Êthiopi, Ba Tư, Parthes. Ngài đã nói lên sự thực này:” Chúa Giêsu chính là Ðấng cứu thế mà Cựu Ước hằng mong đợi. Lời chứng của thánh nhân được coi là đầy đủ nhất trong Tin Mừng của Ngài. Ngài đã được phúc tử đạo tại Tarium nước Êthiopi. Chúa đã trao cho Ngài triều thiên công chính .
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn bắt chước gương của Thánh Tông đồ: đón tiếp mọi người với tất cả tình thương mến.
Xin cho chúng con biết nhìn nhận tội lỗi của mình mà sớm trở về với Chúa.
Xin cho chúng con đừng bao giờ loại trừ bất cứ một ai.
-
Gioan, Tông đồ Thánh sử
Một trong những vị tông đồ đã nói về tình yêu nhiều nhất là Gioan, thánh sử. Vị tông đồ trẻ, được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt vì đời sống trinh nguyên, thánh thiện đã để lại cuốn Phúc Âm thứ tư thuật lại tất cả đời sống của Chúa Giêsu. Thánh nhân đã được Giáo Hội mở đầu ca nhập lễ bằng những lời này:” Thánh Gioan ngả đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly. Hạnh phúc thay vị Tông Ðồ, đã được tỏ cho biết các mầu nhiệm trên trời, và đã phổ biến lời hằng sống trên khắp thế gian ( Hc 15, 5 ).
Thánh Gioan quê ở Bethsaiđa, xứ Galilêa. Thánh Gioan như nhiều Tông đồ khác, trước khi được Chúa mời gọi, đã làm nhiều nghề khác nhau trong xã hội Do Thái lúc đó. Có vị làm nghề lao động chân tay, làm vườn, có vị làm nghề thu thuế và hầu hết các Tông đồ trước kia làm nghề chài lưới. Thánh Gioan đã cùng cha của mình là Giêbêđê và anh là Giacôbê làm nghề chài lưới. Tin Mừng có đoạn đã thuật lại việc hai ông Giacôbê và Gioan có lẽ đã xúi mẹ mình tới xin xỏ với Chúa Giêsu: một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Chúa Giêsu trong nước của Chúa ( Mt 20, 21 ). Gioan là một trong số mười hai Tông đồ được Chúa Giêsu yêu thương nhất vì rằng Gioan và Phêrô đã được chứng kiến phép lạ Chúa làm cho con gái ông Zairô sống lại. Thánh Gioan, Giacôbê và Phêrô đã từng được hưởng giờ phút ngây ngất trên núi Tabôrê khi Chúa biến hình( Mt 16, 1-8; Mc 9,2-8; Lc 9, 28-36 ) và các Ngài cũng được thông chia, hiệp thông giây phút đau khổ nhất của Chúa Giêsu trong vườn cây dầu ( Mt 26, 36- 42 ). Thánh Gioan cũng được hạnh phúc tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly và dưới chân Thập Giá, thánh Gioan đã được hạnh phúc lớn lao, Chúa Giêsu trối Ðức Mẹ cho Người và ngược lại:” Ðây là Mẹ của con “( Ga 20, 27 ).Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. Thánh Gioan còn được hân hạnh thông báo cho thánh Phêrô biết Chúa đã phục sinh trong buổi sáng Chúa Giêsu sống lại ( Ga 20, 1-10 ).
THÁNH GIOAN, CON NGƯỜI QUÁ ĐẶC BIỆT
Suốt cuộc đời của thánh Gioan từ khi Chúa kêu gọi ông, cho tới khi Ông nhắm mắt lìa đời, lúc nào thánh Gioan cũng được ở gần bên Chúa và lúc nào Ông cũng được chứng kiến những việc Chúa làm. Vì được Chúa yêu như thánh Gioan tự giới thiệu:” người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến”( Ga 13, 23; 19, 26; 20, 2.). Thánh Gioan đã làm chứng rằng Ngài sống bên Chúa, cùng ăn, cùng phục vụ với Chúa(Ga 21, 13 ). Thánh Gioan là một trong vài người đã thấy ngôi mộ trống và là một nhân chứng cho biến cố phục sinh. Ðời sống của thánh Gioan quả thật đặc biệt, thánh Augustinô đã nói:” Từ trong lồng ngực Chúa, Gioan đã tìm thấy nguồn suối ban cho chúng ta thứ nước không còn khát và sự hiểu biết”. Origênê kết luận:” Chỉ có con người được dựa vào ngực Chúa và được Chúa trao cho Mẹ Maria mới có thể hiểu” mọi bí nhiệm của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã dùng thánh Gioan Tông đồ để mạc khải mầu nhiệm Ngôi Lời cho chúng con. Xin Chúa thương mở lòng soi trí để chúng con thấu hiểu những chân lý cao siêu thánh nhân đã truyền lại( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Gioan Tông đồ ).
-
Luca, Tông đồ Thánh sử
Thánh Lu-ca sinh vào tiền bán thế kỷ thứ nhất tại Antiochia, tức Antakya, Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay. Theo truyền thống, Ngài là một trong những môn đệ trung tín của Thánh Phao-lô. Thánh Nhân còn được coi là tác giả của sách Tin Mừng theo Thánh Lu-ca và của sách Công Vụ Tông Đồ trong bộ Kinh Thánh Tân Ước. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất với nhau về thời gian biên soạn của hai cuốn sách nêu trên. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, chúng được biên soạn từ năm 60 tới năm 65 sau Chúa Ki-tô. Nhưng một số khác lại cho rằng, hai tác phẩm trên được biên soạn vào khoảng từ năm 80 tới năm 85.
1.Một cái nhìn tổng quát về Thánh Lu-ca:
Những điều giống nhau cả về cách hành văn lẫn tư tưởng Thần Học cũng như những đối chiếu giữa cuốn Tin Mừng theo Thánh Lu-ca và sách Công Vụ Tông Đồ chứng minh cho thấy rằng, hai tác phẩm này có chung một tác giả[1]. Mà tác giả của hai tác phẩm ấy, theo truyền thống, đó chính là Thánh Lu-ca. Người ta liệt Thánh Lu-ca vào số các tác giả của các Tin Mừng Nhất Lãm. Qua những gì được thể hiện trong hai tác phẩm của mình, người ta hiểu rằng, Thánh Lu-ca đã nhắm tới độc giả gốc dân ngoại, đặc biệt là độc giả gốc Hy-lạp khi Ngài biên soạn hai tác phẩm của mình[2], và Ngài công bố cho họ biết về Chúa Ki-tô với tư cách là Đấng Cứu Độ đầy lòng xót thương của những người nghèo và của các tội nhân[3]. Một số truyền thuyết cho rằng, Thánh Lu-ca đã qua đời vào khoảng năm 80 tại Theben, tức Thiva, Hy-lạp ngày nay.
Theo các Thánh Giáo phụ Irene, Eusebius và Hieronymus, cũng như theo quy điển Muratori, thì Thánh Lu-ca tác Giả Tin Mừng chính là người cộng sự đồng tên của Thánh Phao-lô được vị Tông Đồ Dân Ngoại nêu ra trong thư gửi ông Phi-lê-môn (PLm 24). Và trong thư gửi tín hữu Cô-lô-sê (4,14), Thánh Phao-lô đã gọi Lu-ca là Thầy Thuốc Yêu Quý. Còn trong thư thứ 2 của Thánh Phao-lô gửi ông Ti-mô-thê, thì vị Tông Đồ Dân Ngoại cho biết rằng, chỉ còn một mình Lu-ca ở với Ngài, trong khi các môn đệ khác vì chuyện này hay chuyện kia, đều đã rời xa Ngài (2Tim 4,11).
Truyền thống về việc Thánh Lu-ca là tác giả của cuốn Tin Mừng thứ ba trong bộ Kinh Thánh Tân Ước đã phổ biến ngay từ tiền bán thế kỷ thứ II[4].
Ba bị Giáo Phụ kể trên cũng cho biết rằng, Thánh Lu-ca xuất thân từ Antiochia, tức Antakya, Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng, những gì ba vị Giáo Phụ kể trên nói về Thánh Lu-ca đều rất tương hợp với lịch sử[5].
Tuy nhiên, một vài nghiên cứu mới đây lại cho rằng, Thánh Lu-ca tác giả Tin Mừng và tác giả của sách Công Vụ Tông Đồ không phải là Lu-ca, người luôn đồng hành với Thánh Phao-lô[6]. Nghiên cứu này đã tìm thấy những bằng chứng đó, chẳng hạn như trong hai tác phẩm được cho là của Thánh Lu-ca, thì tuyệt nhiên tác giả đã không hề tiếp nhận nền Thần Học có tính đặc trưng của Thánh Phao-lô. Đã thế, trong khi Thánh Phao-lô nhắc tới Lu-ca – người cộng sự của mình -, thì tuyệt nhiên Thánh Nhân lại không hề đá động gì tới hai tác phẩm của người cũng có tên là Lu-ca. Không những thế, sách Công Vụ Tông Đồ đã tường thuật lại một số những chi tiết về cuộc đời của Thánh Phao-lô khác hẳn với những gì mà chính vị Tông Đồ này đã tự tường thuật lại về mình trong những bức thư của Ngài[7].
Một số truyền thống còn coi Thánh Lu-ca là một trong số Bảy Mươi môn đệ được Chúa Giê-su sai đi (xc. Lc 10,1-16), thậm chí còn coi Ngài là một trong hai môn đệ làng Emmaus (Lc 24,13-35). Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với lời mở của Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, vì ở đó, tác giả đã không kể mình vào số những người đã trực tiếp chứng kiến công việc của Chúa Giê-su (xc. Lc 1,1-4).
-
Marco, Tông đồ Thánh Sử
Thánh Mác-cô là một trong bốn tác giả đã ghi lại cuộc đời của Chúa Giêsu. Bốn thánh sử viết Tin Mừng của Chúa Giêsu là Matthêu, Máccô, Luca và Gioan. Tất cả bốn thánh sử, mỗi người một vẻ, mỗi người một cách đã tường thuật đầy đủ cuộc đời của Chúa Giêsu. Thánh Mác-cô đã được Chúa gọi mời, tuyển chọn để trở nên tông đồ và là một người tường thuật lại đời sống của Chúa Giêsu.
MỘT CON NGƯỜI. MỘT CUỘC ĐỜI
Chúa Giêsu khi muốn chọn ai, Ngài đã cầu nguyện lâu giờ vì việc tuyển chọn con người là một công việc hết sức quan trọng. Chúa chọn ai là do quyết địnnh hoàn toàn tự do của Ngài. Ơn gọi của một con người nói lên tình thương và sự nhưng không của Chúa Giêsu. Vì yêu con người, Chúa đến trần gian và cũng vì yêu con người, Ngài tuyển chọn, cất nhắc con người với tất cả sự tự do của Ngài. Thánh Mác-cô là người Do Thái, thuộc dòng họ Lêvi. Sau khi Chúa lên trời, thámh nhân theo thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng sang La mã. Thánh nhân được thánh Phêrô trìu mến và yêu thương, nâng đỡ cách đặc biệt. Thánh Mác-cô hăng say giảng đạo và nhờ lòng nhiệt thành, hăng say loan báo Tin Mừng cho Chúa Giêsu, nhiều người đã quay trở về với Chúa và Giáo Hội. Số người trở lại càng ngày càng đông, nhưng không có một tài liệu nào để giúp giáo dân học hỏi và tham khảo. Nhiều người ao ước có một bản viết về cuộc đời của Chúa Cứu Thế. Với những yêu cầu và khao khát của nhiều người. Thánh Mác-cô đã viết lại cuộc đời của Chúa Giêsu một cách mạch lạc và rõ ràng theo chương mục dựa theo lời giảng dạy của thánh Phêrô. Thánh Phêrô đã cho phép phổ biến và dùng trong giáo đoàn. Thánh Mác-cô sau đó đã được thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi sai đi truyền giáo ở Ai Cập. Với lòng nhiệt thành, đạo đức, tài hùng biện và lợi khẩu, thánh nhân đã đưa rất nhiều linh hồn về với Chúa. Thánh Mác-cô là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên của giáo đoàn Alexandria.
THÁNH MÁC-CÔ ĐƯỢC PHÚC TỬ ĐẠO
Được Chúa mời gọi, thánh Mác-cô đã đáp trả lại lời gọi mời yêu thương của Chúa. Với lòng đạo đức, trí thông minh, sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, thánh Mác-cô đã đem muôn vàn người trở về với Chúa. Vì ghen tức, ích kỷ, những lương dân đã quyết tâm hãm hại Người. Họ đã bắt thánh nhân với mục đích lăng mạ, bêu xấu Ngài và lôi kéo Ngài trên đường đá ghồ ghề, lởm chởm cho tới khi Ngài trút hơi thở cuối cùng vào ngày 25 tháng 4 năm 67. Với những công đức to lớn, với cuốn Tin Mừng thánh Mác-cô để lại, danh của thánh nhân mãi mãi ngời sáng trong Giáo Hội và triều thiên vinh hiển Thiên Chúa trao cho Ngài muôn đời sẽ rực sáng trên nước trời. Mãi mãi nhân loại và đặc biệt Giáo Hội sẽ tôn vinh thánh nhân vì lòng nhiệt thành, sự thánh thiện và gương sáng thánh nhân để lại cho dân Chúa.
“Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Mác-cô vinh dự rao giảng và ghi chép Tin Mừng. Xin cho chúng con được hiểu thấu những lời thánh nhân giảng dạy để trung thành bước theo Chúa Kitô “( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Mác-cô, tác giả sách Tin Mừng ).
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.