Nhà thờ Đức Bà Paris: Lòng rộng lượng phi thường

parismatch.com, Adrien Gaboulaud và Anne-Sophie Lechevallier. Biểu đồ: Dévrig Plichon

Vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà làm bộc phát một lòng nhiệt thành chưa từng có trong lịch sử. Dữ liệu báo Paris Match tổng kết một tuần đóng góp kỷ lục. Sau vụ cháy, điện thoại reo không ngừng. Hàng ngàn cuộc gọi, hàng ngàn e-mail. Và thư từ thì một núi. Mỗi ngày nhân viên Bưu điện giao hàng két thơ. Còn 10.000 phong bì chưa mở. Công việc tràn ngập ở Quỹ Di Sản, một trong bốn cơ quan được chính quyền chỉ định nhận tiền quyên góp để xây dựng Nhà thờ Đức Bà. Cũng vậy ở Quỹ Nước Pháp, tràn ngập… lòng quảng đại. Trong các sự kiện làm lòng người xúc động, những ngày đầu luôn là những ngày quyết định, và ở đây chúng ta có thể thấy được sự huy động của người Pháp, không những với các gia đình giàu có hàng đầu nước Pháp như các gia đình Arnault và Pinault, mà còn với tất cả mọi người.

Từ quyên góp nhỏ bằng thẻ tín dụng đến quyên góp lớn bằng chuyển khoản, một số tiền 200.000 euro của một ân nhân ẩn danh được gởi đến cho Quỹ Di Sản, các đóng góp khác đến tới tấp.

Caitlyn, em bé gái người Anh 9 tuổi đập bể con heo đất của mình. Một hoặc hai đồng hương của em bỏ trong bì thơ 6 tờ 50 bảng Anh kèm theo vài lời rất cảm động, em không để lại địa chỉ để Quỹ Di Sản có thể viết thư cho biết đã nhận được tiền. Trung bình tiền quyên góp được trên Internet hay bằng chi phiếu là 171,5 euro.

Em Caitlyn viết: “Dân tộc Pháp và người dân thành phố Paris thân mến, con tên là Caitlyn và con 9 tuổi, con sống ở Anh. Con nghe đài phát thanh nói Nhà thờ Đức Bà bị cháy và con muốn giúp. Con biết là không bao nhiêu, nhưng mỗi người một ít. Con hy vọng là sẽ không mất quá nhiều thì giờ để xây dựng lại, con xin cám ơn.” Hình: Quỹ Di Sản

“Tôi tặng 300 bảng Anh tiền mặt cho quỹ nhà thờ chính tòa Đức Bà”. Hình: Quỹ Di Sản 

Khi viết bài báo này, rất nhiều đóng góp chưa được kết toán, bài báo dừng lại ở ngày 22 tháng 4. Nhưng rõ ràng đóng góp cho Nhà thờ Đức Bà Paris đã phá kỷ lục. Để có một con số so sánh, mùa hè năm 2017, Quỹ nước Pháp thu được 14 triệu euro giúp nạn nhân trận cuồng phong Irma ở quần đảo Antilles. Bản kết toán của Tòa Kiểm toán cho biết đã thu được 371,1 triệu euro của 32 hiệp hội trợ giúp trong trận sóng thần ngày 26 tháng 12 năm 2004 ở Ấn Độ dương, Theo kết toán tạm thời của chúng tôi thì các quỹ giúp Nhà thờ Đức Bà đã vượt con số 847,6 triệu euro. Trong đó một phần là Quỹ Louis-Vuitton thông qua Quỹ Đoàn kết đầu tư liên ngành.

Số tiền thu được của các dịch vụ khác trong lãnh vực di sản là không thể so sánh được với số tiền thu kể từ vụ cháy ngày 15 tháng 4. Trong suốt năm 2018, Quỹ Di Sản đã quyên được 15 triệu euro từ các cá nhân, và đã thu được đến ngày thứ tư này 163,5 triệu cho Nhà thờ Đức Bà, trong số này có 21,5 triệu từ các cá nhân. Như thế là gấp hơn bốn mươi lần trị giá của một trong các dự án lớn nhất của Quỹ, công trường nhà nguyện Thánh Giuse ở Reims ước tính 3,8 triệu euro.

Disney, nhà sản xuất phim “Người Gù Nhà thờ Đức Bà” năm 1996 đã rút hầu bao ra

Ngoài các cá nhân, các gia đình có tài sản lớn, các cơ quan công quyền cũng dấn thân; các vùng, bắt đầu là vùng Đảo nước Pháp (Ile-de-France), các thành phố, các đô thị lớn như Toulouse. Ngay cả ở nước ngoài, ở các thành phố nước ngoài cũng đóng góp. Nước Serbia tuyên bố tặng 1 triệu euro, chính quyền Albania tặng 100.000 đôla. Thành phố Szeged của Hungaria hứa cho 10.000 euro, thành phố này cho biết họ nợ thành phố Paris vì Paris đã giúp đỡ họ trong thế kỷ 19. Rất nhiều công ty hứa sẽ tặng một số tiền lớn, công ty Disney sẽ tặng 5 triệu đôla (Disney là công ty sản xuất bộ phim “Người Gù Nhà thờ Đức Bà”).

Các công ty khác hứa giúp hiện vật hay “tài trợ kỹ năng”. Công ty Groupama hứa tặng cây sồi để làm lại khung xà nhà, công ty SNCF và RATP thì làm bích chương kêu gọi đóng góp, công ty Orange hứa giúp chuyến thăm ảo đến nhà thờ, công ty Carrefour đề nghị tặng đồ ăn cho các thợ xây dựng, hãng hàng không Air France cung cấp các chuyến bay, công ty Arcelor Mittal giúp sắt để xây dựng. Một số công ty huy động nhân viên của mình đóng góp như công ty Total, IBM, Société générale, General Electric hay Thales bằng cách làm tròn trên tiền lương. Nhiều sáng kiến khác nhau được đưa ra như Công ty vé số tặng tiền lời Xổ số Phục Sinh, hãng rượu Mouton Rothschild tặng 870.000 euro tiền bán đấu giá rượu mà mới đầu định dành cho lâu đài Versailles.

 

Công trường Nhà thờ Đức Bà ngày 23 tháng 4-2019. Hình: Kenzo Tribouillard / AFP

Còn về các công ty kỹ thuật khổng lồ cũng góp tay: Google đề nghị khách tham khảo trang quyên góp của Quỹ Di Sản, còn các công ty PayPal, Amazon Pay và ApplePay đề nghị khách hàng của họ trợ giúp khi khách trả tiền mua hàng. Rất nhiều sáng kiến mà tác động tài chánh vẫn chưa ước lượng được. Công ty Apple qua tiếng nói của Tim Cook cũng đã loan báo đóng góp nhưng chưa đưa ra con số.

Các khoản tiền lớn sẽ dùng để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà là cả một thách thức. Từ khi các gia đình có tài sản lớn huy động nhiều phương tiện lớn lao để cứu nhà thờ bị cháy, thông qua gia đình hay qua các quỹ của công ty thì dư luận dấy lên nhiều chỉ trích. Một trong các tranh cãi liên quan đến việc trừ thuế. Ngay ngày hôm sau vụ cháy, gia đình Pinault là gia đình đầu tiên tuyên bố đóng góp, họ cho biết họ không nhận tiền khấu trừ thuế vì “không muốn bắt công dân Pháp gánh thuế giùm”. Gia đình Arnault cũng vậy, họ cũng bỏ khoản khấu trừ thuế. Trong lần Họp Khoáng đại của công ty LVMH, được hỏi về số tiền tặng, ông giám đốc điều hành Bernard Arnault lấy làm tiếc: “Đây là cuộc tranh cãi không đúng, thật thất vọng khi ở Pháp vì bất cứ việc làm nào của chúng tôi cũng bị chỉ trích” mà đây là “làm vì lợi ích chung”. Các thảo luận đã đưa ra ánh sáng các cơ chế trong việc khuyến khích trừ thuế cho các nhà tài trợ. Mùa thu vừa qua, Tòa Kiểm toán đã dành một trong các báo cáo của mình để nói về vấn đề lợi ích thuế vụ, trong năm 2017, ngân quỹ Quốc gia thiếu 902 triệu euro vì các khoản trừ thuế… Một con số tương đối cao hơn một chút ngân sách của Quốc gia dành cho di sản.

Sự đóng góp cho Nhà thờ Đức Bà cho thấy sự tương phản với đường lối bình thường dành cho di sản ở nước Pháp, năm 2006, thông tin của Thượng viện ước chừng 250 đến 400 triệu euro là đủ để bảo trì và tái thiết các tòa nhà di sản. Từ thời đó, đã có nhiều ngân sách chi tiêu thấp hơn con số này, trong khi ngân sách toàn bộ của dịch vụ các Di sản của bộ Văn hóa đã giảm. Các tín dụng dự trù phải trả trong dự án luật tài chánh năm 2019 lên đến 345,8 triệu euro cho các tòa nhà lịch sử. Một con số mà nếu thực sự được thực hiện thì sẽ cao hơn các con số đã tiêu cho các năm 2017 và 2018.

Nguồn: Quỹ Di Sản, Quỹ nước Pháp, Trung tâm các tòa nhà quốc gia, giao tiếp với các ân nhân, bộ Hành động và Tài khoản công cộng. AFP. Bản tổng kết ngày 22 tháng 4- 2019.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *