Trời rét…
Một cơn gió sớm từ đâu tràn về khiến những lá cây hai bên nhà thờ cứ xào xạc, vài nhành cây khô bỗng run lập cập trước mãnh lực của cơn gió. Thỉnh thoảng, tiếng gió rít qua hàng dây điện, rót vào các lỗ hở trên mái ngói, tạo nên những âm thanh bí ẩn. Làn gió ấy mạnh đến thế nhưng chẳng thể thổi bay tấm màn sương mỏng manh đang phủ kín cả đất trời. Sương giăng giăng như đang muốn ôm ấp cõi lòng ai đó…
Gió lặng…Tiếng chuông nhà thờ ngân dài, văng vẳng giữa thinh không, rồi tan loãng vào giữa xóm đạo. Cảnh vật xunh quanh như cộng hưởng cùng tiếng chuông và thời gian như dừng lại lắng đọng cùng hồn người. Giữa cái không gian rộng lớn của ngôi nhà thờ này, chị em chúng tôi bước vào, quây quần bên nhau phía gần cung thánh. Thỉnh thoảng, cũng có mấy người giáo dân đi vào. Cái phông màu tím chủ đạo trải dài từ mấy ngọn nến, đến những bông hoa và cả hàng ghế cho các linh mục đồng tế lại chất đầy thêm cái đắng đót vào trong tim tôi. Tôi thương người chị em của mình. Mới hôm trước, chị ấy đang vui vẻ ngồi ăn cơm với cả nhà, mà hôm nay, chị đã phải ngậm ngùi trong nỗi đau mất mẹ. Đây là lần cuối cùng của cuộc đời chị được cùng với mẹ đến nhà thờ, không phải được mẹ dắt đi lễ như thuở bé, cũng không phải trong niềm vui của một Masơ mới khấn mấy tháng trước, nhưng trong tâm thế của một người con lần cuối tiễn mẹ ra đi đến cõi vĩnh hằng, không bao giờ trở lại…
Giữa dòng trầm tư đang trào chảy trong cõi tịch mặc của tâm hồn, tôi bỗng nghe tiếng kèn trống thê lương vẳng đến bên tai. Cái tiếng bi ai ấy đang mở đường cho người chết đi về chốn vĩnh cửu, nhưng lại là âm thanh trầm hùng đánh thức tôi quay về trong thực tại của kiếp người mỏng manh. Tiếng kèn trống cứ ngân nga vang lên như “một bản nhạc nền” kết thúc cho một cuộc lữ hành từ chốn phong ba về cõi tĩnh lặng thường hằng. Khi bầu nhạc “nẫu ruột” ấy tắt đi cũng là lúc người chị em của tôi và gia đình của chị ấy đã đưa mẹ đến tận sảnh nhà thờ. Đã gần đến giờ lễ rồi mà sao trong nhà thờ vẫn thấy trống vắng. Giáo dân vẫn đi nhưng quá ít so với những gì chúng tôi tưởng tượng, bởi đây là một giáo xứ đông dân. Hình như thời này, người ta chẳng để ý mấy đến chuyện tiễn đưa người quá cố, người đồng hương. Còn đâu cái thời mặn mà nghĩa tình, dù đói dù khổ nhưng mỗi khi có ai qua đời, cả giáo xứ đông đảo tham dự thành lễ tiễn đưa người quá cố về với lòng đất mẹ! Dù vậy, sự hiện diện của rất nhiều chị em Mến Thánh Giá Vinh của chúng tôi và của hơn hai mươi linh mục đồng tế đã “lấp đầy” những khoảng trống lạnh lẽo kia. Nhìn cái khung cảnh ấy, tôi mới thấm thía lời hứa của Chúa Giêsu: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ, ngay ở đời này, lại không nhận được gấp trăm” (x. Mc 10. 29-30)”. Lúc này đây, tình gia đình giữa những người sống đời thánh hiến đang phần nào khỏa lấp nỗi trống trải to lớn trong tâm hồn chị và có thể phần nào giúp chị đứng vững hơn trước cơn cuồng phong khắc nghiệt của cuộc đời.
Thánh lễ kết thúc…Một làn sóng hy vọng và bình an phủ kín tâm hồn tất cả mọi người. Niềm hy vọng Phục Sinh đang bừng dậy. Thế nhưng, niềm tin tưởng ấy vẫn không ngăn được những tiếng nấc, tiếng khóc xé lòng. Dù niềm tin có lớn đến đâu thì con người vẫn là một thụ tạo mỏng giòn, yếu ớt. Mối sầu cảm cứ tự nhiên ngấm vào tận xương tủy, giăng mắc trong cõi lòng, và giày xé tâm can. Làm sao có thể không thương, không nhớ, không đau khi chỉ một lúc nữa thôi, tấm thân người mẹ sẽ trở thành một nắm tro bụi? Mấy người chị trong gia đình ấy, người thì van lơn, giãy giụa, người thì khóc ngất đi, người thì chạy theo níu lấy chiếc quan tài bất động. Ấy thế mà bé út, là người chị em của tôi, lại đứng rất vững, tay dắt người cha già tiều tụy, lững thững bước theo sau quan tài. Đến lúc phải gửi trao cánh tay của cha cho những người thân, chị ấy bước lên chiếc xe tang, ngồi “chết lặng” bên quan tài của mẹ. Nhìn cái cảnh tượng não nùng ấy, nước mắt tôi chảy tràn. Tôi khóc trong khi chị ấy cứ thẫn thờ, thinh lặng, đăm chiêu đến lạ. Nước mắt của chị đã cạn. Đôi mắt đỏ ngầu, mí mắt sưng húp và thân xác tiều tụy ấy vẫn can trường đi với mẹ đến lò hỏa táng. Tôi chỉ biết dâng lên Chúa một trái tim đồng cảm cùng với những lời cầu nguyện xin ơn sức mạnh cho chị.
Từ khung cảnh thánh lễ an táng hôm nay, tôi đã suy ngẫm rất nhiều về người tu sĩ trước sự ra đi của người cha hay người mẹ. Không phải riêng lần này, nhưng mỗi lần tôi có cơ hội được tham dự thánh lễ an táng cầu nguyện cho ông cố, bà cố của chị em hay của một tu sĩ nào đó, tôi đều có một cảm nhận rất đặc biệt. Những người đi tu cũng có cha có mẹ như ai và họ cũng phải trải nếm cái cảnh sinh ly tử biệt. Nhìn lại trong gia đình Hội dòng của tôi, người may mắn thì đến tuổi xế chiều vẫn còn cha còn mẹ, người ít may mắn hơn thì chỉ còn cha hoặc mẹ. Cũng có người có cha mẹ lìa thế khi tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí, các ngài ra đi khi chưa thể chứng kiến cái ngày đáng mong ước là ngày khấn dòng của con. Có chị em kém may mắn hơn thì lại mồ côi cả cha lẫn mẹ từ thuở tấm bé. Dù như thế nào đi nữa, có lẽ không niềm đau nào lớn hơn niềm đau cha mẹ khuất bóng. Hơn ai hết, đối với người đi tu, về phương diện trần thế, cha mẹ là tất cả, là chỗ dựa tinh thần vững chãi, là chốn nghỉ ngơi để tìm về. Cha mẹ ra đi là sự mất mát lớn lao, là hết cung lòng để tựa nép, đôi khi, hết cả đường đi lối về. Không ít người tu sĩ ít lui về quê nhà hơn, khi họ không còn “song thân” nữa. Thật đúng như lời thơ:
Còn cha còn mẹ mong về,
Khuất cha khuất mẹ biết về nơi đâu.
Bơ vơ giữa chốn khổ đau,
Bầu trời giăng kín cung sầu luyến lưu.
Vì tấm thân người tu sĩ là kết tinh dòng máu hồng của cả cha lẫn mẹ, và trái tim của họ cũng được tạo nên bởi tình yêu của hai đấng sinh thành này, nên không ngạc nhiên khi người tu sĩ vẫn bị chi phối bởi tình cảm máu mủ, ruột rà. Tuy nhiên, về phương diện niềm tin, ít ai mau tìm được sự bình an và thăng bằng như người tu sĩ khi phải đối diện với sự chia ly. Có lẽ, nguồn nội lực từ đời sống thánh hiến đã gia tăng sức mạnh để giúp họ đứng vững trước mọi cảnh huống nghiệt ngã của cuộc đời. Đến đây, tôi chợt thảng thốt nghĩ về bản thân mình. Rồi đây, vào một lúc bất ngờ trong cuộc sống, tôi cũng sẽ phải “đối diện với ngôi mộ” của những người thân yêu nhất. Ước gì, khi đối diện với những kinh nghiệm đáng sợ ấy, tôi biết dằn nỗi đau vào trong, không van lơn, không giãy dụa, nhưng bình an đón nhận trong cung cách của một người đã được Tin Mừng hóa và can đảm thể hiện niềm tin của một người “tông đồ làm chứng cho Mầu Nhiệm Phục Sinh”. Để chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống đau thương phía trước, tôi chỉ biết hướng về gương mẫu Mẹ Maria dưới chân Thập Giá và bên ngôi mồ của Con Chí Thánh. Chẳng có nỗi đau nào quằn quại cho bằng nỗi đau của một người Mẹ chứng kiến cái chết thê thảm của Con mình trên Thập Giá rồi tự tay nhận xác Con, đưa Con vào mồ. Nhưng với hai tiếng “Xin Vâng” huyền nhiệm, Mẹ đã can đảm đón nhận tất cả, để thánh ý Thiên Chúa được thành toàn trong cuộc đời Mẹ. Điều đó làm cho tôi càng thâm tín rằng, khi tôi biết cưu mang Lời Chúa và suy gẫm hằng ngày như Mẹ, tôi sẽ tích lũy được nguồn nội lực cần thiết để có thể đối diện và vượt qua những thử thách kinh hoàng nhất trong cuộc đời mình.
Cây Bút Chì – Học Viện MTG Vinh