Từ “tu viện” đến “chợ đời”

Ò…ó…o…ò… Ò…ó…o…ò…

Tiếng gáy “rung trời lở đất” của chàng thủ lĩnh bầy gà vang lên phá vỡ bầu khí thinh lặng đầu ngày của khu vườn Tu Viện. Vừa được tung cánh từ “căn phòng bé nhỏ” ra tận khu vườn, chàng cứ đứng vươn hai chân, gáy liên hồi, vừa gáy vừa đánh mắt về phía các cô gà mái đang lững thững bước ra từ phía sau. Chàng có thân hình cao ráo với cặp đùi chắc khỏe, đôi chân vững chãi với chiếc cựa sắc bén đầy kiêu hãnh khiến chàng tự tin với “màn khoe hình thể buổi sáng” trước những chú gà trống khác. Có lẽ chàng ấy rất tự hào khi diện một “chiếc mũ” đỏ chót như bông hoa mào gà bung nở giữa mùa xuân, và sở hữu chiếc đuôi bảy sắc cầu vồng cực kỳ bắt mắt. Lúc chàng ấy đang lên cao trào, có mấy chú gà trống khác chạy lại, với vẻ mặt khó chịu, cứ như thể nói với chàng ta rằng:

– Thôi, bác dừng lại đi, điếc tai quá. Người ta đã thức dậy hơn 2 tiếng đồng hồ rồi, gáy làm gì nữa. Lễ về, các sơ đi làm rồi kìa! Ở ngoài kia, bác gáy giờ này thì may gì còn thức được vài người dậy, chứ… ở nhà Dòng, đừng gáy giờ này nữa mà quê!

Rồi một chú khác thêm vào:

– Ờ, đúng rồi đó, mình thấy ở đây, mình chẳng có đất dụng võ, cũng chẳng có cơ hội để luyện thanh. Giọng mình giờ chẳng khác nào giọng vịt đực. Ở đây, các sơ dậy sớm thật. Thôi, buồn quá, chạy một vòng kiếm chút gì ăn sáng đã…

Tạm biệt đồng bọn, chú ấy tiến về phía bãi cỏ, nhìn sang vườn rau, nơi chị em chúng tôi đang cầm những bó rau đầy chất dinh dưỡng, với vẻ mặt thèm thuồng. Vườn rau đầu mùa của Tu Viện xanh nõn nà, mướt mát. Cơn mưa mùa hè ở đâu bỗng ghé thăm mấy hôm trước đã lấp đi các vết nứt nẻ trong đất và thay màu cho cả khu vườn từ vàng úa đến xanh non. Sau khi “lực lượng nhà vườn” đã bó xong rau, chị bề trên bảo chúng tôi chia ra hai xe, đi hai khu chợ gần đây để bán. Hai chị đảm đang và nhanh miệng nhất được bình chọn đi trước với nhiều loại rau khác nhau, tới Chợ Cầu gần nhà. Còn lại mớ rau mồng tơi đang chờ rửa sạch thì vẫn còn chờ đợi hai ứng cử viên tiếp theo. Rồi cũng có mấy cánh tay giơ lên nhưng cuối cùng, tôi và chị Khánh được cử đi bán ở Chợ Quán. Trong sự hào hứng có pha chút gì đó lo ngại, hai chị em có chiều cao “khiêm tốn” nhất nhà bắt đầu một “bài tập mới trong hành trình huấn luyện”. Ra chợ bán rau, chưa lần nào trong đời tôi được trải nghiệm.

Ngồi trên xe, nhìn mấy chục bó rau trong cái sọt to tướng, tôi có chút gì đó e ngại. Liệu mình có bán hết số rau ấy không? Nó thách thức ý chí của tôi. Trong phút chốc, tôi cảm thấy sợ…sợ gặp người quen…sợ mất mặt…sợ ế rau. Trong đầu tôi bắt đầu có một vài suy nghĩ hơi tiêu cực. Rồi bỗng dưng… Biết bao “dấu ấn khá oanh liệt” trong quá khứ bỗng ùa về ngay lúc đó.

Còn nhớ những ngày ấy, một cô gái bé nhỏ rong ruổi với những đoàn khách Tây khổng lồ, đi khám phá bao vẻ đẹp Việt và đã từng dừng chân tại nhiều khu resorts sang trọng. Ngay lúc đó, tự nhiên tôi có cám dỗ nghĩ về tấm bằng Cao học của mình. Kỳ lạ thật! Bấy lâu nay nay, chẳng mấy khi tôi nhớ là mình đã có tấm bằng ấy, mà sao lúc này, cơn gió nào đã mang tấm bằng ấy về lại trong tiềm thức của tôi? Rồi làn gió phe phẩy ấy lại đưa tôi về tìm gặp những người bạn cũ, phần lớn nay đã là Giảng viên đại học, giáo viên các cấp, nhiều người khác thì là phiên dịch viên, dịch giả sách báo, hướng dẫn viên du lịch và còn nhiều ngành nghề “hái ra tiền” khác nữa.

Còn tôi, vẫn đang là một tập sinh, lại phải lủi thủi đi bán mấy bó rau ở cái chợ quê này. Những tư tưởng tiêu cực này cứ đeo bám lấy tâm trí tôi. Đây chắc chắn không phải “làn gió của thần lành”, mà là “cơn gió độc của thần dữ” bởi tôi nghe có tiếng rỉ tai nhè nhẹ, vừa mạnh bạo vừa xảo quyệt: “Này, đường đường là một thạc sĩ, mà lại đi bán rau à? Nhục mặt chưa! Không xấu hổ hay sao? Ơ, cái mặt chị này dày quá, masơ đi bán rau mà vẫn không nhục à? Ở nhà mà đọc kinh cầu nguyện đi chứ! Lỡ ra đây gặp người quen thì sao, xấu hổ chết đi được…”. Những “lời lẽ gây hấn, thêm dầu vào lửa” này chỉ làm xáo trộn tâm hồn tôi trong chốc lát.

Tôi đã kịp thời tỉnh táo nhớ lại quyết tâm táo bạo của bản thân trước khi ra đi. Tôi đi bán rau để hiểu giá trị của đồng tiền do mồ hôi nước mắt kiếm ra, và hiểu hơn cuộc sống của những người nghèo khổ. Chính tôi đã xung phong đi, chẳng ai bắt ép tôi cả. Ngay cả khi tôi được sai đi thì bán rau chẳng có gì phải xấu hổ. Đây chính là cơ hội thực tế ngàn vàng để tôi vượt thắng cái tôi cồng kềnh của mình. Nếu tôi không tỉnh táo thì những “chiếc ô” trong quá khứ sẽ trở nên những ảo ảnh ngăn cản bước tiến của tôi trên con đường tu trì. Để xua đi những “tà khí” đang phủ vây tâm trí mình, dù hai tay đang “chơi vơi” đỡ lấy sọt rau, đôi chân Giakêu phải đung đưa giữa không trung, nhưng tôi vẫn lắc lư cái đầu lia lịa. Chị Khánh cầm tay lái bị liệng qua liệng về. Vốn “hài hước bẩm sinh”, chị ấy ngoái cổ lại bảo tôi: “Này, mới sáng sớm mà chị đã uống nhầm thuốc lắc rồi à? Hay là…chị bị chóng mặt, ù tai, tím tái, xoay xẩm, đau đầu các kiểu vậy?”. Tôi phì cười sảng khoái: “Chẳng có kiểu gì hết trơn! Em chỉ là…chỉ là ‘khoái’ đi bán rau thôi.”. Rồi chị ấy cũng bật cười: “Uhm, em đùa thôi. À, tý bán chợ không hết, hai chị em mình vào làng nhé!”. Tôi đáp lại: “Tuân lệnh sếp! Thôi, vặn ga đậm đậm chút đi…”. “Ô-xờ-kê, bám xe cho chắc vào này!”. Chị Khánh vừa nói vừa tăng tốc độ. Dù vậy, cái xe cổ của Tu Viện cũng chỉ dừng lại ở tốc độ “nhanh hơn người đi bộ một chút”. Ấy thế mà tôi cũng cảm thấy “vèo một cái” đã tới cổng chợ, nên đã đến chợ rồi mà chân không muốn bước xuống. Ngồi lì trên xe, tôi ngó ngang ngó dọc, cứ tưởng cổng trước, ai ngờ cổng sau.

Chúng tôi quyết định thử vận may của mình ở “phía sau hậu trường” xem sao, bởi cái lối này người ta đi qua cũng khá đông. Sau một hồi hì hục, loay hoay để xuống xe thì cuối cùng “cả người lẫn rau” đều “hạ cánh an toàn”. Thấy cái bảng “nhà xe” trước mặt, hai chị em im lặng đẩy xe cách khéo léo lại góc bên. Tưởng đã tìm được chỗ cất xe an toàn, ai ngờ chúng tôi lại bị kêu đưa xe đi chỗ khác. May thay, có người thấy hai chị em tội nghiệp, nên cho để xe trước ốt nhà họ. Vừa mới bày rau xuống đám đất trống, thật dở khóc dở cười khi nhận ra chúng tôi chẳng có đồng tiền nào dù là một đồng tiền lẻ để hồi lại khi cần và cũng chẳng có cái bao nào để bỏ rau cho khách, lại thêm một ông quản lý khu chợ từ đâu đến xin “phí kinh doanh trong chợ”. Chúng tôi nài nỉ lắm ông ta mới cho trả sau.

Chị Khánh kêu lên: “Chúa ơi, đã bán được đồng nào đâu mà còn phải trả phí? Âm tiền rồi…”. Quên đi những khó khăn ban đầu, chúng tôi bắt đầu đon đả mời chào: “Bà ơi, cháu mời bà mua rau ạ!”, “Chị ơi, mời chị mua rau, rau tươi lắm chị!”, “Chú mua rau không chú?…”. Đã mười phút đầu trôi qua, tôi bắt đầu cảm thấy khô ran nơi cổ họng nhưng rau thì vẫn chưa “xuất” được bó nào. Ấy vậy, chúng tôi vẫn tự nhủ bản thân phải cố lên, luôn tươi cười mời chào, không tắt lời một phút giây nào. Người đi qua, kẻ đi lại, có người thì mỉm cười nói không, nhưng lắm kẻ thì chẳng thèm nhìn.

Lúc này, tôi mới cảm nhận được tâm trạng của những người làm nghề buôn bán, cái cảm giác này chẳng dễ chịu chút nào. Ở lối này, tôi có thể quan sát nhiều cảnh đời đáng thương, nhưng có lẽ làm nhói tim tôi nhất là hình ảnh một bà lão già lọm khọm, bưng một rổ rau nhỏ với những “bó rau cao niên”. Dáng người bà cụ cứ như một chữ C di động, đang mệt nhọc lê từng bước chân. Ai sẽ mua những bó rau vừa già vừa sâu ấy cho bà…? Dòng người vẫn tiếp tục đi vào chợ. Có những người giáo dân nơi đây nhận ra chúng tôi là masơ, họ ân cần đi đến: “Sơ ơi, muốn mua rau cho sơ mà nhà con rau nhiều quá rồi.”, “Sơ ơi, sơ chuyển vào trong chợ bán đi, ở lối này khó bám lắm”. Dù người ta không mua, nhưng những lời an ủi ấy cứ như những giọt nước tắm mát “tâm hồn đang khô dần hy vọng” của chúng tôi. Đang lúc tự nhủ bản thân phải kiên trì lên, có mấy mẹ, mấy chị đến í ới: “Ôi! Rau nhà dòng ngon quá, sơ bán cho con ít bó đi!”.

Chị em tôi nghe thấy thế, lòng nhẹ nhõm và mừng rỡ vô cùng. Những bó rau đầu tiên đã được bán nhưng chúng tôi có chút áy náy vì chẳng có túi dựng rau, lại chẳng có tiền lẻ để hồi lại cho người ta. Một lúc sau, thấy tình hình chẳng khả quan lắm, chúng tôi chia ra hai người đi bán hai ngả để còn về kịp giờ cầu nguyện chung. Chị Khánh đưa một nửa vào chợ còn tôi ở lại đây. Cho đến lúc đó, chúng tôi mới bán được 25 ngàn đồng. Tôi giữ 15 ngàn còn chị Khánh cầm đi 10 ngàn, phòng khi hồi tiền lại cho người ta.

Chừng 20 phút sau, khi tôi bán được thêm 20 ngàn nữa, thì ông quản lý chợ đi lại xin phí. Ông ta quan sát chị em chúng tôi nãy đến giờ. Tôi ngậm ngùi đưa cho ông ấy 5 ngàn đồng…Vừa tiếc tiền, vừa thấy ít người qua lại, tôi quyết định “chuyển địa bàn hoạt động” vào trong. Sau một hồi bôn ba từ góc này đến góc khác, người ta chỉ cho tôi đến rao bán nơi mấy hàng thịt. Vừa đến đó, có một chị gọi mấy người bán thịt khác: “Mấy mẹ Hội Legio đâu, mua rau dùm sơ kìa. Chao ôi, rau nhà dòng tươi non thật, các sơ chăm khéo quá!”.

Chị ấy quảng cáo một vòng, thì cả mấy bà hàng thịt mua gần hết số rau tôi mang theo. Mừng quá, tôi xách mấy bó còn lại đi tìm chị Khánh. Đến phía cổng trước, tôi thấy chị đang đứng kề một bà lão, cái sọt của chị để kề mớ rau của bà. Bà lão ngồi trên cái ghế gỗ nhỏ, nhai miếng trầu bạc, đôi bàn tay gân cốt nổi lên xếp lại hàng rau của bà. Chị Khánh kể lại với tôi rằng bà ấy thấy ít người mua, nên bà mua ba bó rau của chị Khánh bỏ sang hàng của bà để bà bán đỡ cho. Rồi bà còn kêu chị Khánh đi lại chỗ con dâu bà đang bán tạp hóa đầu kia lấy bao mà đựng rau cho khách. Không biết bà ấy có được nhờ từ con cái không, chứ nhìn bà này cũng khổ không thua kém gì bà cụ lúc nãy tôi thấy. Mớ rau của bà vẫn chưa bán được bao nhiêu, lại còn thêm 3 bó rau của chúng tôi nữa. Chị Khánh đã nằng nặc không lấy tiền bà nhưng bà vẫn cứ đưa lại. Rồi hễ có người quen trong làng đi qua, bà gọi người ta lại mua rau cho hai Mini sơ. Bà cụ chẳng lo rau mình ế, nhưng miệng cứ không hề ngớt câu: “Thấy thương hai sơ quá! Ở đây bà rao bán cho, khỏi ế rau, phải đem về lại nhà Dòng.”.

Chao ôi, thật là cảm động! Tôi thấy có chút gì đó đắng đót trong lòng. Hoàn cảnh của bà cụ thảm thương như thế nhưng bà cứ nghĩ cho người khác. Tấm lòng bà cao thượng và đầy tình thương của một người bà dành cho hai người cháu xa lạ. Chợ đã sắp vãn, dòng người gống gánh nối đuôi. Chúng tôi chia tay bà cụ, tổng kết “tổng thu nhập” và lấy xe đi về.

Cầm một xấp tiền lẻ dày với giá trị chỉ vỏn vẹn 97 ngàn đồng trong tay, tôi nghẹn ngào cay đắng. Cái chợ này tuy không lớn lắm nhưng lại cho tôi nhiều “sàng khôn”. Để có số tiền này, chị em chúng tôi đã dày công gieo vãi và chăm chút vườn rau, rồi sáng sớm ra có khoảng 10 chị em đã tất bật hái cho kịp giờ bán, chưa hết là phải kể công lao cả buổi sáng của hai chị em tôi nữa. Chao ôi, để kiếm tiền bằng mồ hôi nước mắt thật không dễ chút nào. Ấy thế mà có những lúc tôi chưa quý trọng những đồng tiền của cha mẹ, gia đình và những người khác. Tôi tự nhủ bản thân là sau này mình phải dè dặt hơn khi tiêu tiền.

Đây cũng là bài học thực tiễn quý giá về lời khấn khó nghèo mà sắp tới tôi sẽ cam kết. Rồi từ trong thâm tâm, tôi cảm thấy mình có một sự đồng cảm sâu sắc với những người nghèo, những người “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” suốt ngày, nhưng lại kiếm được rất ít tiền để trang trải cho cuộc sống của họ. Hình ảnh những con người đáng thương mà tôi bắt gặp trong phiên chợ sáng nay nhắc nhở tôi rằng, vẫn còn đó trong xã hội này những cảnh đời leo lét trong cuồng phong của cơm áo gạo tiền. Họ cần lắm những “mái che của tình thương” để có thể đứng vững hơn trong cuộc đời. Điều này thôi thúc tôi một ước mơ táo bạo là trở nên một nữ tu đồng hành với những cảnh đời bất hạnh. Và có lẽ, bài học lớn nhất mà tôi nhận được trong sáng hôm ấy là về SỰ TỪ BỎ MÌNH. Kinh nghiệm này đã đánh thức tâm trí tôi về lời dạy của một cha giáo trong môn Lời Khấn: “Đức Kitô đã trút bỏ mọi vinh quang, chấp nhận sự khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh để cứu chuộc nhân loại, thì những ai chấp nhận lối sống của Người cũng đang chia sẻ vào công cuộc cứu rỗi thế giới như vậy”. Chính vì thế, dù tôi làm bất cứ việc gì theo tinh thần của Ba Lời Khuyên Phúc Âm, tôi đang thông dự vào công cuộc cứu rỗi của Đức Kitô.

Hành trình từ “tu viện đến chợ đời” là một trong nhưng hành trình huấn luyện cần thiết cho tôi để bản thân ngày càng trưởng thành hơn. Về đến nhà, tôi mới nhận ra đây chỉ là một nốt nhạc trong bản nhạc huấn luyện mà thôi, bởi trong khi mấy chị em chúng tôi chỉ vỏn vẹn bán rau được một số tiền ít ỏi, thì trưa hôm đó, chị Bề Trên mua hẳn mấy chú vịt quay để tẩm bổ cho công khó của chị em. Thực sự, nhà dòng đâu có thiếu tiền đến nỗi chúng tôi phải ra chợ bán từng bó rau thế kia, với lại đó cũng chẳng phải là sứ vụ của một nữ tu. Thế nhưng, nhà dòng chỉ thiếu những nữ tu đủ vâng phục và dám từ bỏ ý riêng.

 Qua kinh nghiệm “chỉ xảy ra một lần” hôm ấy, tôi xác tín, để trở nên một nữ tu dám sống chết cho hạnh phúc của người khác và có thể lăn xả trên mọi nẻo đường truyền giáo, trước hết, tôi phải chấp nhận những “yêu sách” của chương trình đào tạo. Khi tôi biết từ bỏ bản thân, sẵn sàng làm mọi việc theo ý của những người hữu trách để hun đúc bản thân nên một con người mới cứng cáp và trưởng thành hơn, thì chính những lúc ấy, tôi cho phép Thiên Chúa chiến thắng trên cuộc đời mình.

Chính trong những thử thách nhỏ bé hằng ngày, tôi có thể “trắc nghiệm” tình yêu và sự bền đổ trong ơn gọi của mình và từ những lo sợ chóng qua ban đầu, tôi tìm thấy niềm vui nội tâm kéo dài mãi sau khi hoàn thành một bài tập huấn luyện bản thân.

 

Cây Bút Chì – Học Viện MTG Vinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *